Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Chùa Thiên Mụ được quét sơn công nghiệp?

Nhà hộ pháp phía tả, hạng mục đã được trùng tu.
Nhà hộ pháp phía tả, hạng mục đã được trùng tu.

Du khách, phật tử... đến tham quan chùa Thiên Mụ (Huế) trong thời gian thi công đều nhìn thấy công nhân dùng sơn nước Nippon để sơn tường. Tuy nhiên, những người phụ trách thi công đã phủ nhận điều này.
Công trình trùng tu chùa Thiên Mụ - di tích thuộc hệ thống Di sản văn hóa thế giới và là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Huế - được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện. Công trình khởi công ngày 28/8/2003, tổng kinh phí đầu tư hơn 14 tỷ đồng, do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung thiết kế và thi công. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn 1/2 khối lượng các hạng mục. Riêng phần trùng tu, phục hồi màu sắc của các tường thành, hành lang, các nhà bia, lầu chuông, lầu trống, cửa tam quan, cửa phụ (bên tả, hữu)... đã cơ bản hoàn thành hơn 2/3 khối lượng công việc.
Thế nhưng, nhiều du khách và phật tử phản ảnh việc công nhân dùng sơn nước Nippon để sơn tường. Thầy Thích Hải Trang, người được nhà chùa giao nhiệm vụ giám sát công trình cùng Ban giám sát của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: "Thầy có thấy các công nhân dùng bình sơn mang các nhãn hiệu Nipon, Expo... để quét tường. Thầy thắc mắc và được giải thích, đây không phải là sơn nước công nghiệp mà là sơn vôi. Nghe thì biết vậy, chứ thực tế ra sao thì không phải chuyên môn của thầy. Thầy chỉ quan tâm đến màu sắc, làm sao cho phù hợp với nếp sống và quang cảnh chốn thiền môn".
Giã
Giã rơm để ủ mật, keo trộn vữa trước khi hòa màu.
Họa sĩ Đoàn Sĩ Lạng, người phụ trách phần phục hồi các hoa văn, họa tiết và màu sắc của công trình cho biết: "Việc chọn màu nào, khôi phục họa tiết gì chúng tôi đều thông qua một hội đồng khoa học và có biên bản thống nhất, có cả chữ ký của đại diện nhà chùa. Chất liệu được sử dụng để trùng tu phần màu sắc công trình chúng tôi tuân thủ theo quy định của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa - Thông tin chất liệu để sơn tường là vữa vôi màu truyền thống (có thể gọi là sơn vôi hay sơn ta). Cụ thể, đó là vôi nung được mua từ Quảng Bình và chúng tôi đã cho tôi nung trước đó gần nửa năm, các chất liệu keo, mật mía, nhựa cây, rơm (hoặc giấy bả), bột màu... đều tuân thủ định mức cho phép. Có hai loại phụ gia hóa chất trong suốt có chức năng chống ẩm mốc, rêu và các loại nấm mà được sử dụng là Water seal hoặc Kova (theo định mức cho phép)".
Để chứng minh, cán bộ phụ trách công trình cũng "giới thiệu" hố ủ vôi nằm sát bên ngoài bờ thành của chùa, công đoạn lọc vôi và giã rơm, trộn vữa... Thực tế, đơn vị thi công đã tuân thủ các giải pháp trùng tu mà hội đồng khoa học của dự án chọn. Cô Lê Thị Thu Hương, giám sát chuyên môn về vật liệu, hóa chất cho biết thêm: "Chúng tôi khẳng định và chịu trách nhiệm, ở công trình hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại sơn công nghiệp nào. Do công nhân dùng những vỏ hộp sơn công nghiệp để đựng vữa vôi màu trong khi thi công đã khiến du khách hiểu nhầm. Chúng tôi đã yêu cầu tất cả cán bộ có mặt ở công trường nếu có ai thắc mắc phải giải thích ngay".
KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, kết luận: "Chúng tôi thường xuyên phối hợp với nhà chùa theo dõi, kiểm tra rất chặt chẽ. Không ai điên rồ đến mức sử dụng sơn công nghiệp cho việc trùng tu di tích".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét